CEO của Apple đã không đơn độc khi từng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thấu cảm – khả năng chia sẻ và thấu hiểu cảm xúc của người khác – tại nơi làm việc.
Jamil Zaki là một giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Stanford. Anh từng nhận bằng cử nhân bộ môn thần kinh học tại Đại học Boston, bằng tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Columbia và tham gia nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Havard và nhận nhiều đề cử và giải thưởng tâm lý học nổi tiếng. Anh cũng là tác giả của những bài viết liên quan đến sự thấu cảm trong tâm lý học và được đăng tải trên các trang báo nổi tiếng như The New York Times, The Wall Street Journal, The New Yorker, The Atlantic Monthly, Nautilus Magazine, Scientific American, WIRED, và The Huffington Post. Bằng những nghiên cứu và sự am hiểu tâm lý học của mình, Jamil Zaki đã cung cấp một cái nhìn khách quan về tầm quan trọng của yếu tố thấu cảm trong văn hóa doanh nghiệp như sau:
Timothy Donald, hay còn gọi là Tim Cook là một doanh nhân người Mỹ và tổng giám đốc điều hành tập đoàn Apple Inc., từ tháng 8 năm 2011, sau khi Steve Jobs từ chức. Trong bài diễn văn tốt nghiệp MIT (Viện đại học Công nghệ Massachusetts) của mình vào năm 2017, ông đã cảnh báo các bạn sinh viên mới tốt nghiệp rằng:
Nhiều người sẽ khuyên các bạn đừng để sự thấu cảm của chính mình đan xen vào công việc. Và việc của các bạn là phải nhớ, đó là một quan điểm sai lầm.
Và Cook không phải là người duy nhất nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thấu cảm trong doanh nghiệp. Tại thời điểm phát ngôn của Tim Cook, 20% các doanh nghiệp ở Mỹ đã thực áp dụng các chương trình đào tạo về sự thấu cảm cho nhân sự cấp quản lí. Trong một cuộc khảo sát với khoảng 150 CEO gần đây, trên 80% nhà lãnh đạo đồng ý rằng sự thấu cảm chính là chìa khóa dẫn đến thành công.
Nghiên cứu đã chứng minh rằng Cook và các nhà lãnh đạo khác, những người đang nhận ra tầm quan trọng của sự thấu cảm trong văn hóa doanh nghiệp, đang thực hiện những bước đi đúng. Môi trường làm việc có sự thấu cảm sẽ đem đến tính hợp tác mạnh mẽ hơn, ít căng thẳng hơn và tinh thần cao hơn, đồng thời vực dậy tinh thần làm việc của nhân viên nhanh hơn sau những thời điểm khó khăn như cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đó, nhiều nhà lãnh đạo gặp khó khăn để mỗi nhân viên của mình nhận được sự quan tâm xứng đáng trong văn hóa doanh nghiệp. Trên thực tế, luôn có một vực thẳm ngăn cách giữa điều mà văn hóa doanh nghiệp cần và điều nhà lãnh đạo đang có.
Hãy tưởng tượng một công ty có văn hóa được xây dựng trên “tư tưởng xâm lược” và tính cạnh tranh. Vị giám đốc điều hành nhận ra rằng ông và các đồng nghiệp của mình không thể tiếp tục đi theo hướng này nên vội vàng chọn sự thấu cảm và đưa nó vào văn hóa công ty như một giá trị cốt lõi. Đó là một động thái có chủ ý, nhưng sự chuyển giao lớn này tạo ra một khoảng cách không hề nhỏ giữa các lí tưởng của tổ chức, chuẩn mực hành vi lí tưởng mà nhà lãnh đạo mong đợi với thực tế hiện tại và những hành vi vốn đã ăn sâu vào văn hóa doanh nghiệp và lối làm việc của từng cá nhân. Khi các chuẩn mực và lý tưởng xung đột, người ta thường ngả về những gì người khác làm, chứ không phải những gì họ được bảo phải làm. Điều tồi tệ hơn, những người tôn trọng những giá trị văn hóa trước đó có thể cảm thấy bị phản bội hoặc nghi ngờ chính vai trò của người lãnh đạo.
Thật may là có một cách để giải quyết các chuẩn mực ứng xử hiện tại thay vì chống lại chúng, và từ đó thay đổi văn hóa công ty. Jamil Zaki mô tả trong một cuốn sách của mình rằng con người không chỉ bị ảnh hưởng bởi những hành vi xấu mà còn tán thưởng những nghĩa cử tốt đẹp và hữu ích. Chẳng hạn, nhiều người sau khi nhìn thấy những người khác bỏ phiếu cho việc bảo tồn năng lượng hoặc quyên góp cho các hoạt động từ thiện, nhiều khả năng sau đó họ sẽ tự giác làm những điều tương tự. Nghiên cứu của Jamil cũng chứng minh rằng sự thấu cảm cũng rất dễ lây lan – mọi người “bắt được” sự quan tâm và lòng nhân hậu của nhau. Dưới đây là một vài cách nhà lãnh đạo có thể tận dụng cơ chế tâm lí này để xây dựng sự thấu cảm tại nơi làm việc.
Ghi nhận tiềm năng phát triển
Đừng nghĩ sự thấu cảm như một đức tính mà một người có thể có hoặc không, vì điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không chạm đến hay can thiệp được. Nếu bạn không thể học được điều gì đó, thì tại sao phải thử? Jamil và các cộng sự của mình phát hiện ra rằng những người định nghĩa sự thấu cảm là một đức tính thường dành ít nỗ lực hơn để kết nối với mọi người xung quanh. Nếu niềm tin đó ăn sâu vào một doanh nghiệp, việc lan tỏa sự thấu cảm nơi công sở và biến nó thành một giá trị doanh nghiệp cốt lõi sớm muộn cũng thất bại hoặc tuột dốc không phanh.
May thay, quan điểm của mỗi người về một điều gì đó là hoàn toàn có thể thay đổi được. Trong một nghiên sau đó của Jamil, kết quả cho thấy sự thấu cảm không giống như một tính cách mà thực chất lại giống như một kỹ năng hơn. Khi luyện tập chăm chỉ, mọi người sẽ thấy được sự thấu cảm ngay cả khi nó không đến một cách tự nhiên. Nói cách khác, bước đầu tiên để xây dựng sự thấu cảm là thừa nhận rằng nó có thể xây dựng được. Các nhà lãnh đạo nên bắt đầu bằng cách tìm hiểu xem nhân viên của họ nghĩ gì về kỹ năng này và nhắn nhủ với họ rằng lí tưởng cá nhân là một điều không thể chạm tới được.
Làm nổi bật những giá trị tích cực nơi làm việc
Những lời nói lớn tiếng nhất hiếm khi là tử tế nhất, nhưng khi chúng chiếm ưu thế trong cuộc hội thoại, chúng vẫn có thể thống trị nhận thức của chúng ta. Trong một tập thể, khi một người nào đó lớn tiếng nói ra những điều tuy rằng tiêu cực, nhưng lắm khi lại được đông đảo đồng nghiệp tán dương và làm theo.
Việc của nhà lãnh đạo là làm sao mang những giá trị tích cực đến nơi nhiều người có thể nhìn thấy nhất. Bất cứ lúc nào, bất cứ tập thể nào cũng sẽ có những người đang cư xử tử tế, số khác lại không, có những người đang nỗ lực làm việc, số khác lại lo tìm cách đấu đá nhau. Sự thấu cảm lại thường xuất phát từ số đông thầm lặng. Hãy làm nổi bật và lan tỏa những giá trị tích cực đó bằng các chương trình khen thưởng và công nhận của tổ chức.
Tìm kiếm những người dẫn đầu trong văn hóa tổ chức là đồng hành cùng họ
Mỗi một tổ chức đều có những người nhất định đại diện và trung thành với vai trò gắn kết con người với nhau, mặc dù đó không phải là nhiệm vụ họ được giao phó. Những cá nhân này có thể không phải là người nổi bật hoặc quyền lực nhất, nhưng họ là những người có khả năng kết nối và sức ảnh hưởng nhiều nhất. Mọi thông tin, ý tưởng và các giá trị đều truyền tải thông qua họ.
Để xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự thấu cảm, các nhà lãnh đạo có thể bắt đầu bằng cách tìm kiếm những người có khả năng gắn kết và dẫn đầu các giá trị văn hóa doanh nghiệp ở cả trong và ngoài tổ chức. Để thành công trong việc biến nó thành một phần DNA trong văn hóa công ty, lãnh đạo phải chú ý đến cách xây dựng nó một cách tự nhiên, mang tính tập thể và thường phải đi từ dưới lên trên.
_Cenco/Theo Harvard Business Review_