Thuế thu nhập cá nhân là một trong những nguồn thu quan trọng cho ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên, đối với người lao động có 02 nguồn thu nhập trở lên (theo HĐLĐ hoặc theo hợp đồng dự án) thì sẽ phải đóng thuế này như thế nào?
Thuế thu nhập cá nhân (“TTNCN”) là khoản tiền thuế mà người có thu nhập phải trích nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã tính các khoản được giảm trừ. Đây là một trong những nguồn thu quan trọng cho ngân sách của Nhà nước.
Có 3 cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công dành cho 3 đối tượng khác nhau, cụ thể:
– Tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần: Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ 3 tháng trở lên;
– Khấu trừ 10%: Dành cho cá nhân ký HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng hoặc không ký HĐLĐ và có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng trở lên;
– Khấu trừ 20%: Đối với cá nhân không cư trú thường là người nước ngoài.
Tuy nhiên, đối với người lao động (“NLĐ”) có 02 nguồn thu nhập trở lên (một là theo HĐLĐ, hai là theo hợp đồng dự án) thì sẽ phải đóng TTNCN như thế nào?
Tình huống: Chị X là nhân viên kế toán, đã kí HĐLĐ dài hạn với công ty A và làm việc được trên 8 tháng. Đồng thời, chị X còn có một công việc thời vụ tại công ty B với mức lương 100 triệu đồng một năm, đã khấu trừ 10% TTNCN. Vậy, chị sẽ tự mình quyết toán thuế, hay sẽ ủy quyền cho công ty A quyết toán?
Theo Điều 16.2 (a.4) Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015, NLĐ trong trường hợp nêu trên là cá nhân cư trú có ký HĐLĐ từ 03 tháng trở lên và vẫn đang làm việc theo HĐLĐ tại thời điểm quyết toán thuế, thì việc quyết toán TTNCN của NLĐ sẽ được thực hiện tùy theo từng trường hợp cụ thể như sau:
1. Trong trường hợp NLĐ có thu nhập vãng lai từ hợp đồng dự án bên ngoài bình quân tháng trong năm từ 10 triệu đồng trở lên đã được đơn vị chi trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% thì NLĐ phải tự quyết toán thuế với cơ quan thuế mà không thể ủy quyền cho người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) trả tiền lương, tiền công thực hiện quyết toán thay.
2. Trong trường hợp NLĐ có thu nhập vãng lai từ hợp đồng dự án bên ngoài bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị chi trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập vãng lai này thì NLĐ có thể ủy quyền cho NSDLĐ quyết toán thuế thay đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà NLĐ nhận được từ NSDLĐ.
Kết luận
Theo trường hợp của chị X, thu nhập vãng lai bình quân tháng trong năm của chị chưa tới 10 triệu đồng (100 triệu đồng : 12 tháng = 8,3 triệu đồng), và đã khấu trừ TTNCN 10% tại công ty B.
Nếu chị X phải quyết toán thuế và không có yêu cầu quyết toán thuế với thu nhập vãng lai bên công ty B, thì chị X được ủy quyền quyết toán TTNCN cho công ty A. Lưu ý: Thứ nhất, công ty A chỉ quyết toán thuế cho chị X đối với phần thu nhập của chị X tại công ty A này. Thứ hai, điều kiện để công ty A quyết toán thuế là chị X vẫn còn đang công tác tại công ty A.
Nếu chị X có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập ở công ty B, thì chị sẽ phải trực tiếp quyết toán thuế với Cơ quan thuế.
Trên là trường hợp thu nhập vãng lai đã khấu trừ 10% TTNCN. Trong trường hợp thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế, hoặc khấu trừ thuế chưa đủ; thì NLĐ sẽ không được ủy quyền mà sẽ phải trực tiếp đến Cơ quan thuế để quyết toán.
_Cenco/Theo VNHR_