Sở hữu website không còn là điều quá xa lạ với hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở thời điểm này. Khi đã có trong tay một website, bạn có thể thu hút lượng truy cập về đó, chuyển đổi những người truy cập thành khách hàng tiềm năng và cuối cùng là khách mua hàng bằng các kênh khác nhau. Nhờ có sự bùng nổ của Internet và các nền tảng digital, chúng ta có thể tạo ra doanh thu theo nhiều cách trên nền tảng website. Hình bên dưới mô tả khá rõ điều đó.
Vậy làm thế nào để có thể tối đa hóa nguồn doanh thu và lợi nhuận đạt được cuối cùng?
Cách thứ nhất là tối ưu nguồn truy cập đầu vào (về cả số lượng và chất lượng): tăng cường thêm ngân sách kết hợp với việc tối ưu các kênh như SEO, social media, advertising hay blog để tăng lượng truy cập đầu vào.
Ví dụ: thay vì duy trì số lượng truy cập 1.000 phiên truy cập/ngày, chúng ta chi thêm tiền, tối ưu cho quảng cáo, truyền thông để nâng con số này lên 10.000 phiên truy cập/ngày và nhắm đến đúng đối tượng khách hàng mục tiêu hơn thì kết quả đầu ra sẽ tăng lên theo một tỷ lệ nhất định (tất nhiên với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi).
Cách thứ hai là tối ưu tỷ lệ chuyển đổi đầu ra: cải thiện các yếu tố trên website để từ số lượng truy cập ban đầu không đổi, có thể tăng lượng khách hàng cuối cùng.
Vẫn ví dụ trên: nếu như trước đấy với 1.000 phiên truy cập/ngày chúng ta có được 10 khách mua hàng (1%) thì với cách này chúng ta tiến hành tối ưu bản thân website để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người truy cập, kích thích hành động và đạt được 20 khách mua hàng (2%).
Tất nhiên, bao giờ cũng còn một lựa chọn nữa luôn được khuyến khích đó là kết hợp cả hai cách để tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận.
Phương pháp tối ưu nguồn truy cập đầu vào đòi hỏi cần một nguồn lực lớn bao gồm cả về ngân sách và những nỗ lực tối ưu. Cách này hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh nguồn lực không cho phép, thị trường bị giới hạn hoặc cạnh tranh quá cao. Trong khi đó, phương án tối ưu tỷ lệ chuyển đổi đầu ra luôn luôn được khuyến khích ở bất cứ quy mô, nguồn lực nào. Ngay cả khi bạn sẽ sàng chi thêm hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng cho các chiến dịch thu hút lượng truy cập thì bài toán này cũng không thể nào bỏ qua. Và đó là lúc mà chúng ta cần tìm hiểu về CRO.
CRO là gì?
Theo định nghĩa từ Wikipedia“ CRO (Conversion Rate Optimization) là một hệ thống, phương pháp giúp tăng tỷ lệ khách truy cập website chuyển đổi thành khách hàng hoặc thực hiện các hành động nhất định mà doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sở hữu website mong muốn”.
Với CRO, chúng ta luôn theo sát những bước chân của khách hàng kể từ lúc họ truy cập lần đầu tiên cho đến khi đi đến hành vi chuyển đổi cuối cùng để từ đó xác định ra những cách để cải thiện website, nâng cao tỷ lệ chuyển đổi. Cùng với sự phân tích, đưa ra các giả thuyết, thử nghiệm, đánh giá một phiên bản mới của website, một landing page có thể được tạo ra. Trong suy nghĩ của nhiều người, quy trình CRO có thể khiến một website lột xác, thay đổi hoàn toàn để đạt được mục đích mong muốn. Nhưng trên thực tế thì đôi khi hiệu quả lại đến từ những thay đổi rất nhỏ. Chỉ cần thay đổi màu sắc của nút bấm “MUA HÀNG” từ màu xanh sang màu đỏ có thể khiến cho tỷ lệ hoàn tất đơn hàng tăng lên gấp đôi? Hay như một vài ví dụ khác, sự kết hợp một hoặc vài thay đổi nhỏ trong câu chữ màu sắc, thiết kế, bố cục cũng mang lại những tín hiệu tích cực đến mức bất ngờ cho chính người thực hiện chúng. Với một vài ví dụ kể trên, CRO không hẳn là một bức tranh toàn màu hồng hay như một chiếc đũa thần với khả năng kỳ diệu. Bao giờ cũng vậy, CRO là một quy trình nghiêm ngặt nhiều bước và tốn nhiều công sức, chất xám và đôi khi là cả tiền bạc nhưng những gì mà nó có thể mang lại là hoàn toàn xứng đáng.
Trên đây là khái niệm về CRO để bạn có thể hiểu rõ về nó. Hẹn gặp lại bạn ở phần 2 – Tại sao CRO lại quan trọng?
_Cenco/Theo Trungduc.net_