Né chi phí bảo hiểm: doanh nghiệp đẩy chi phí lương về đâu?

Đánh giá post

Về cơ bản, các doanh nghiệp (DN) đều mong muốn giảm thiểu chi phí hết mức có thể, trong đó có chi phí đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ. Hiện thực này đồng nghĩa với việc DN giảm tiền lương đóng BHXH của NLĐ xuống mức thấp nhất. Vậy, phần còn lại của lương sẽ đẩy đi đâu để vẫn được ghi nhận là chi phí hợp lệ của DN?
– Tiền lương
Theo điều 90 BLLĐ, điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, tiền lương được ghi trong HĐLĐ bao gồm:

(i) mức lương,

(ii) phụ cấp lương và

(iii) khoản bổ sung lương (Trong đó, khoản bổ sung lương gồm 2 dạng: (a) xác định được mức cụ thể và trả thường xuyên định kỳ, (b) không xác định được mức tiền cụ thể, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên và gắn với quá trình làm việc, kết quả công việc theo khoản 3 điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH).

– Tiền lương đóng BHXH
+ Theo khoản 2 điều 89 Luật BHXH, khoản 2 điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng BHXH gồm (i) mức lương, (ii) phụ cấp lương và (iii) khoản bổ sung xác định được mức cụ thể và trả thường xuyên định kỳ (quy định tại điểm a khoản 3 điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH).

+ Khoản 3 điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định tiền lương đóng BHXH bắt buộc không bao gồm: tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ (kể cả khoản tiền xác định được mức cụ thể).

Theo đó, để giảm tiền lương đóng BHXH, DN thường sẽ quy định mức lương (lương cơ bản) thấp nhất theo lương tối thiểu vùng và chuyển thu nhập còn lại của NLĐ về:

(i) Khoản bổ sung lương không xác định được mức cụ thể (lương năng suất/hiệu quả/hoàn thành), và/hoặc

(ii) Tiền thưởng, tiền hỗ trợ, trợ cấp khác.

Đẩy về lương năng suất hay tiền hỗ trợ, trợ cấp khác?
Theo tiết b điểm 2.6 khoản 2 điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, sửa đổi bổ sung tại Thông tư 25/2018/TT-BTC, khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm cả các khoản tiền lương, tiền thưởng cho NLĐ được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau:

Hợp đồng lao động;
Thoả ước lao động tập thể;
Quy chế tài chính;
Quy chế thưởng theo quy chế tài chính.
Theo đó, mỗi cách thức áp dụng nêu trên sẽ có mức độ phù hợp nhất định với từng DN và DN có thể phải hoàn thiện các thủ tục nội bộ tương ứng để đảm bảo điều kiện được ghi nhận chi phí.

– Nếu phần còn lại của lương được ghi nhận là tiền hỗ trợ, trợ cấp, DN hoàn toàn có thể ghi nhận tại HĐLĐ mà không cần phải xây dựng thêm quy chế tài chính nội bộ.

Cách làm này sẽ phù hợp hơn với DN có quy mô nhỏ, lương NLĐ không quá cao, ít loại vị trí công việc, ít biến động về lương, không áp dụng KPI và NLĐ đáp ứng các điều kiện được hưởng tiền hỗ trợ, trợ cấp. Khi có biến động về lương, DN và NLĐ sẽ buộc phải ký điều chỉnh nội dung HĐLĐ.

– Nếu phần còn lại của lương được ghi nhận là lương năng suất/hoàn thành/hiệu quả, DN có thể ghi nhận tại HĐLĐ hoặc không ghi nhận tại HĐLĐ mà ban hành quy chế tài chính nội bộ.

Cách làm này vẫn phù hợp với DN có các đặc điểm nêu tại cách 1, ngoài ra còn phù hợp với DN nhiều loại vị trí công việc, mức lương cao và chênh lệch đáng kể giữa các vị trí, có biến động về lương, có hoặc không áp dụng KPI. Khi có biến động về lương, DN có thể chủ động điều chỉnh quy chế tài chính nội bộ mà không phải ký điều chỉnh HĐLĐ.

Khi DN trả lương cố định (áp dụng lương năng suất mang tính chất hình thức), DN vẫn cần phải xây dựng bảng đánh giá mức độ hoàn thành công việc, lập phiếu chi lương có sự biến động giữa các kỳ trả lương (mặc dù có thể thực tế trả lương không đổi) để cơ quan BHXH không thể áp được vào khoản xác định được mức cụ thể.

Ngày 23/05/2018, Ban chấp hành TƯ khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW v/v cải cách chính sách BHXH, có nội dung sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của NLĐ.

Chúng tôi không cổ súy cho việc đóng BHXH ở mức thấp nhất, DN và NLĐ cần phải xem xét tính hiệu quả, minh bạch của BHXH, quyền lợi hiện tại khi đóng BHXH, cũng như đánh giá giá trị của mức đóng BHXH với mức hưởng chế độ BHXH ở 15-20 năm tới, để cân nhắc và tự thỏa thuận lựa chọn việc đóng BHXH cho phù hợp.

_Cenco/Theo PLDN_