SỞ HỮU NHIỀU BẰNG CẤP NHƯNG VẪN THẤT NGHIỆP, LỖI LÀ DO ĐÂU?

Đánh giá post

Tốt nghiệp Đại học với chiếc bằng khá giỏi, lại thêm chứng chỉ A, giấy chứng nhận B vô số, tưởng chừng như con đường tương lai đang rộng mở xán lạn. Thế nhưng, cầm trên tay tấm bằng đẹp chưa chắc đã có được việc làm tốt. Vậy đâu là câu trả lời cho việc hàng loạt những cử nhân, thạc sĩ ra trường mãi chẳng tìm được bến đỗ?

Tấm bằng và câu chuyện chiếc vé mở đường
Nhiều sinh viên ra trường với thành tích cao hiện nay vẫn không tìm được việc làm cho mình. Một số đáng kể thậm chí còn chấp nhận việc nhảy trái ngành chỉ mong có được một nơi ổn định sau khi tốt nghiệp. Theo thống kê quý 4/2018 về thị trường lao động do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) công bố, con số thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên trong quý này là 135,8 nghìn người. Đây là một con số hoàn toàn không hề nhỏ và dường như không có dấu hiệu suy giảm qua quý 1/2019.

Vậy bằng cấp liệu có thật sự quyết định con đường sự nghiệp sau này?

Đừng vội xem nhẹ những con số biết nói trên tấm bằng Đại học hay các chứng chỉ liên quan đến ngành nghề bạn theo đuổi. Trước hết, đó chính là thứ đầu tiên nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào khi xem qua hồ sơ của bạn. Ở một số công ty, bộ phận Nhân Sự sẽ có bước “sàng lọc” CV trước khi chuyển giao đến phòng ban phù hợp bằng cách rà soát điểm số tốt nghiệp hoặc bằng Đại học của ứng viên. Do đó, có thể xem bằng cấp chính là tấm vé mở đường để bạn có thể đặt một chân vào công ty mình mơ ước. Đó là thước đo để nhà tuyển dụng có thể đánh giá trình độ và năng lực của một người trước khi công ty muốn tiếp nhận họ vào vị trí mà công ty đang tìm kiếm. Tuy nhiên, bằng cấp tốt chưa phải là tất cả. Muốn đặt chân còn lại vào công ty, ứng viên cần hội tụ thêm nhiều yếu tố quan trọng khác sau đây:

Kinh nghiệm thị trường
Một trong những câu chuyện muôn thuở khi tìm việc làm đó là nhà tuyển dụng liệu đang trọng bằng cấp hay đòi hỏi kinh nghiệm? Câu trả lời dành cho ứng viên chính là bằng cấp có thể xem như điều kiện cần và kinh nghiệm là điều kiện đủ. Bạn cần có thành tích để chứng minh bạn phù hợp với ngành nghề, và nếu năng lực này được chứng minh qua những kinh nghiệm bạn tích lũy được, cơ hội lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng sẽ là 99,9%. Điều mà hầu hết các sinh viên thể hiện được qua tấm bằng Giỏi chỉ là khả năng tiếp thu những kiến thức chuyên ngành trên sách vở. Họ giỏi lý thuyết nhưng điều đó hoàn toàn không đủ. Cái mà hầu hết sinh viên ra trường cần bổ sung cho mình là sự cọ xát với thực tế công việc, là kinh nghiệm và vốn sống. Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những người năng động và chịu khó học hỏi. Giữa một ứng viên bằng tốt nhưng không có kinh nghiệm với một người bằng Trung bình – Khá nhưng đã quen tay hay việc, nhà tuyển dụng sẽ sẵn sàng chi trả cho người thứ hai.

Kỹ năng mềm thiết yếu

Bên cạnh việc thiếu kinh nghiệm làm việc thì không ít bạn trẻ đánh mất cơ hội lập nghiệp do thiếu kỹ năng mềm. Nếu bạn chỉ quan niệm điểm số các môn học quyết định tất cả thì đó sẽ là sai lầm bước đầu trên hành trình đi tìm việc làm. Không hiếm trường hợp sinh viên đạt kết quả học tập rất tốt nhưng khi phỏng vấn xin việc gặp nhiều khó khăn. Đó là do những kỹ năng nhà tuyển dụng đang tìm kiếm trong quá trình phỏng vấn xin việc hơn 70% là những kỹ năng mềm. Đó có thể là khả năng giao tiếp, tranh luận, xử lý tình huống, teamwork hay thậm chí là tư duy logic,… Những kỹ năng không thể đo lường và đánh giá qua điểm số lại là yếu điểm khiến nhiều bạn trẻ khó tỏa sáng trong mắt nhà tuyển dụng.

Nhận định năng lực đúng tầm
Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, ứng viên với bằng cấp tốt thường đòi hỏi mức lương và chế độ họ mong muốn hơn là quan tâm việc mình sẽ tạo ra giá trị gì cho doanh nghiệp. Đôi khi, một số ứng viên sẽ đánh giá cao năng lực của bản thân trong khi chưa thật sự cọ xát mình với công việc thực tế. Sự ảo tưởng giá trị bản thân là vấn đề nhiều bạn trẻ mới ra trường thường hay mắc phải trong lúc tìm việc dẫn đến thất nghiệp. Bởi với nguồn vốn có hạn nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải cân nhắc khi tuyển dụng, và thường chỉ giữ lại những nhân sự có khả năng tạo ra lợi nhuận cho bản thân doanh nghiệp. Do đó, nếu muốn tìm được một bến đỗ tương lai cho bản thân, đã đến lúc ứng viên nên nhìn nhận lại khả năng của mình và định giá bản thân đúng tầm.

Thái độ ứng xử phù hợp
Bên cạnh câu chuyện “ảo tưởng” về năng lực, nhiều ứng viên còn dễ mắc căn bệnh “thái độ” khi gặp gỡ các nhà tuyển dụng. Đôi khi, bạn đã quên mất rằng nhà tuyển dụng cũng đến từ những ngôi trường danh giá hay nhận được những tấm bằng uy tín giống như bạn! Khởi điểm của các ứng viên luôn là như nhau và điều tạo ra điểm cộng cho mỗi người chính là sự khéo léo và lịch sự khi giao tiếp. Nhà tuyển dụng sẽ ưa thích những ứng viên biết tiến, lùi đúng lúc, thể hiện sự nhiệt tình và đam mê với vị trí ứng tuyển hơn là những người “rải CV” hàng loạt và chẳng có mấy tâm huyết với nghề.

Kiến thức thực tế và vốn sống là những hành trang quan trọng bên cạnh câu chuyện bằng cấp khi ứng viên muốn tìm được việc làm. Bằng cấp không phải là yếu tố dư thừa khi xin việc nhưng nếu chỉ dựa vào mỗi tấm bằng tốt, bạn sẽ không đủ hấp dẫn trong mắt các nhà tuyển dụng. Hãy luôn nhớ rằng một tấm bằng tốt sẽ chỉ tỏa sáng khi nó được bổ trợ bởi các kỹ năng sống và kinh nghiệm khác đi kèm. Vì vậy, đừng bao giờ chủ quan ỷ lại vào những bằng cấp có được mà quên đi các kỹ năng quan trọng khác. Biết đâu đó lại là đòn bẩy giúp bạn có được sức bật trên con đường sự nghiệp về sau!

_Cenco/Theo HR Insider_