Có rất nhiều các thể loại dùng từ, định nghĩa sai lệch và pha tạp xung quanh trí tuệ nhân tạo (AI) và những ứng dụng của nó trong tuyển dụng. Vẫn có những mơ hồ nhất định trong công nghệ và các định nghĩa vẫn chưa thật sự chính xác.
Trong ngành tuyển dụng, các chuyên gia nhân sự và nhà quản lý thường tìm kiếm những giải pháp mới để thu hút nhân tài, chủ yếu bởi vì họ đang sống trong một thời đại mà công nghệ vô cùng phát triển. Do đó, ngày càng có nhiều các công cụ hiện đại ra đời phục vụ và hỗ trợ cho quy trình tuyển dụng của các doanh nghiệp như công cụ sàng lọc ứng viên được xây dựng bởi các thuật toán, các hệ thống BOT tự động sắp xếp lịch phỏng vấn ứng viên, chưa kể đến các trợ lý tuyển dụng AI và các công cụ chọn lọc nhân sự được tạo ra mỗi ngày.
Những công cụ này có thể thực hiện được nhiều điều vô cùng hay ho, thế nhưng người ta lại quên mất rằng liệu chúng có thật sự hỗ trợ cho những nhu cầu thực sự từ cả hai phía, từ nhà tuyển dụng và ứng viên. Tại sao phải sử dụng AI và dùng AI để làm gì quan trọng với các nhà tuyển dụng ngày nay như thế nào?
Những phần mềm không cần thiết phát sinh nhiều vấn đề
Mỗi khi bộ phận nhân sự hay tuyển dụng cân nhắc sử dụng một công cụ mới, ưu tiên chính là cần phải tìm ra cách để tạo được lợi ích cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên. Nó có thể giúp ứng viên có trải nghiệm tốt hơn và nhà tuyển dụng sẽ thực hiện quy trình hiệu quả hơn, nhờ đó, giúp nhà tuyển dụng phát hiện ra những ứng viên mà họ không thể tìm được bằng các cách cũ trước đây.
Vấn đề ở đây là bộ phận nhân sự không nên quá chăm chăm vào việc tìm kiếm một công cụ mới bởi chưa chắc nó đã thật sự cần thiết! Đặc biệt là khi họ không thể hình dung rõ ràng cách công cụ này tác động và ảnh hưởng như thế nào đến ứng viên và chính mình.
Thật không may, về mặt lí thuyết thì những công cụ này dường như mở ra rất nhiều tiềm năng mới, thế nên nhà tuyển dụng thường mắc phải chiếc bẫy sở hữu công nghệ mới chỉ vì bản thân công nghệ, thay vì những lợi ích có thể đạt được từ nó. Khái niệm về việc các phần mềm giúp hỗ trợ con người thực hiện mọi việc, nhanh hơn và hiệu quả hơn gấp ngàn lần, có vẻ như là một ý tưởng hấp dẫn với nhà tuyển dụng.
Kết quả là bộ phận nhân sự ở nhiều doanh nghiệp rất dễ ôm phải rắc rối khi một phần mềm không phù hợp với cả hệ thống tuyển dụng của họ, tạo ra nhiều vấn đề hơn trong công việc hàng ngày. Các dữ liệu phải được di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Các quy trình trở nên rối rắm hơn và buộc nhà tuyển dụng phải tìm cách để lách léo khi sử dụng công cụ mới này. Xuất phát từ ý định giảm tải công việc và khiến mọi thứ mượt mà hơn, quy trình tuyển dụng giờ đây đã trở nên kém trơn tru và gánh thêm nhiều việc hơn. Tệ hơn nữa là những kênh tuyển dụng truyền thông được đưa vào quá trình trước đây bây giờ sẽ trở nên khó khăn trong việc sử dụng hơn.
Thấu hiểu về trợ lý ảo AI
Một chatbot tự động trả lời theo những mẫu có sẵn không thể được xem là một trợ lý ảo. Một thuật toán phù hợp giúp bạn tìm được ứng viên tiềm năng cũng không phải là AI. Nó chỉ được lập trình dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí về tuyển dụng thông thường. Tự động hóa là một phần quan trọng của việc tuyển dụng, bạn không thể giảm tải công việc nếu không có điều này. Thế nhưng, tự động hóa và AI là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau!
Các nhà tuyển dụng cần biết được tầm quan trọng của việc thấu hiểu vai trò của mỗi công cụ bởi lẽ, đôi khi chúng chỉ giúp bạn được một phần nhưng lại có nguy cơ gây hại trên diện rộng. Nếu thuật toán sàng lọc ứng viên lựa chọn dựa trên tiêu chí của nhà tuyển dụng, nó cũng sẽ mắc phải lỗi “thiên vị” và “cá nhân” từ họ. Bot trả lời tự động khi bắt đầu một quy trình tuyển dụng cũng rất dễ khiến việc tuyển dụng bị đóng hộp trong những kỹ năng, tiêu chí nhà tuyển dụng cần được thấy, bỏ qua những điều thú vị ở ứng viên mà họ chưa kịp khai thác.
Ngoài ra, việc nhận ra những công nghệ mới như AI, máy trả lời tự động hay phần mềm tuyển dụng thực chất là như thế nào cũng vô cùng quan trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách thức tuyển dụng trong tương lai không xa. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể tác động ở mức hỗ trợ chứ không hoàn toàn thay thế quy trình thủ công, ít nhất là trong vài năm tới. Đây là cách mà một trợ lí ảo AI có thể hỗ trợ quá trình tuyển dụng. Trợ lí sẽ nghĩ về các mô hình tuyển dụng mới và đề xuất thông minh, chẳng hạn như đề xuất quy trình quản lý “đường ống” dựa trên hoạt động của người dùng hoặc sáng tạo công việc mới dựa trên các chỉ số kinh doanh từ các lĩnh vực khác của công ty, hoặc thậm chí đánh giá phỏng vấn và thực hiện quy trình nhận việc cho nhân viên mới.
Các nhà tuyển dụng sẽ được giảm tải bớt việc để trở thành các chuyên gia và cố vấn nền tảng giúp tuyển dụng các nhà quản lý và ứng viên phù hợp. Tự động hóa và cải tiến công nghệ, bao gồm cả sự phát triển và hỗ trợ từ AI, đã được thực hiện ở một số lĩnh vực và tác động đó sẽ tăng lên trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Phát triển kỹ năng tuyển dụng mới
Lấy ví dụ như việc sàng lọc sơ yếu lý lịch là một hoạt động sẽ được thực hiện nhanh hơn khi có tự động hóa. Nhờ đó, kỹ năng sàng lọc ở nhà tuyển dụng trên thực tế có thể chuyển dời sang việc phát triển kỹ năng phân tích dữ liệu. Các nhà tuyển dụng cần theo dõi thuật toán sàng lọc ứng viên của họ và rút ra thông tin chi tiết từ những hồ sơ này. Họ phải cân nhắc liệu phạm vi tuyển dụng có quá nhiều hay quá hẹp? Có phải họ không chọn những ứng cử viên có tiềm năng do sự thiên vị? Những xu hướng nào trên thị trường mà họ đang bỏ qua?
Nhờ các công cụ tự động hỗ trợ việc tìm nguồn cung ứng, các nhà tuyển dụng cũng có thể bắt đầu tập trung vào việc tư vấn với các nhà quản lý tuyển dụng và đảm nhận vai trò cao hơn trong việc xác định các điều kiện tiên quyết cho một vị trí công việc mới. Họ sẽ tập trung vào việc nghiên cứu các tiêu chí cho vị trí mới, mô tả công việc chưa từng được giới thiệu trên thị trường tuyển dụng. Họ sẽ tư vấn về cách tiếp cận tìm kiếm ứng viên: Những kỹ năng tin tức nào hiện đang được cắt xén trên thị trường? Các vai trò tái xác định trong việc quản lý tuyển dụng như thế nào? Cần bao nhiêu bước để tìm kiếm và sàng lọc ứng viên phù hợp?
Cách tư duy tương tự được áp dụng cho một số kỹ năng khác mà chúng ta coi là cốt lõi của chức năng tuyển dụng ngày nay, nhưng điều đó có lẽ sẽ trở nên ít quan trọng hơn với việc tự động hóa, trợ lý ảo AI và, trong một số trường hợp, những AI thật sự. Đồng thời, nhà tuyển dụng sẽ tập trung hơn vào việc xây dựng khả năng tư vấn, kỹ năng phân tích và hoạt động hiệu quả. Các nhóm Tìm Kiếm Nhân Sự sẽ dành nhiều thời gian hơn cho con người để diễn giải các xu hướng, đưa ra dự báo, xây dựng thương hiệu và duy trì sự hấp dẫn để tăng lượng tương tác của các ứng viên.
Tương lai của AI và ngành tuyển dụng
Chúng ta phải luôn theo dõi và bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ ngày nay, nhưng đứng ở khía cạnh là một nhà tuyển dụng, ta cần ghi nhớ một nguyên tắc hàng đầu đó là dù sử dụng bất kỳ công cụ nào, nó cũng phải đem lại lợi ích cho cả hai phía: Ứng viên và Nhà tuyển dụng. Cho dù thông minh và hiện đại cỡ nào, nếu công cụ đó không phục vụ cho mục đích trên, thì đó chưa phải là một cách thực hiện quy trình tuyển dụng hiệu quả.
_Cenco/Theo Forbes_